Chi tiết bài viết - Xã Gio Mai - Gio Linh

(ĐCSVN) - Năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ chú trọng công tác cải cách hành chính, tiết giảm chi phí xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ...



Bộ Nội vụ cho biết, năm 2022, công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ thường xuyên đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực trọng tâm là: rà soát, hoàn thiện thể chế về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy trình, thủ tục hành chính đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP.

Cùng với đó, Bộ đã tổ chức triển khai khoa học, công phu, chặt chẽ Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng năm 2021 (SIPAS-2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX-2021) đối với các Bộ, ngành, địa phương.

Năm 2022, ước tính Chỉ số PAR INDEX của các Bộ, ngành đạt 86,30% tăng 0,23 điểm phần trăm so với năm 2021 (86,07%), các địa phương đạt 86,57% tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2021 (86,37%); Chỉ số SIPAS đạt 87,50% tăng 0,34 điểm phần trăm so với năm 2021 (87,16%).

Cũng theo Bộ Nội vụ, công tác cải cách hành chính đã có chuyển biến rõ nét, cải cách thể chế được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả, tiếp tục cắt giảm mạnh, đơn giản hóa TTHC và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Tính đến 30/11/2022, các Bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hoá hơn 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản quy phạm pháp luật ; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98% (chiếm 55,7% tổng số TTHC); 100% Bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; việc triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước tại cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 97,45%; 19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 62/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng, cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; (53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Đẩy mạnh triển khai Đề án chuyển đổi số của giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước; tập trung xây dựng, ban hành Quy chế quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn thông tin của Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Nội vụ.

Về nhiệm vụ năm 2023, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ và tập trung phối hợp có trọng tâm, trọng điểm cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính các Bộ, ngành, địa phương.

Về giải pháp, Bộ sẽ chú trọng công tác cải cách hành chính, tiết giảm chi phí xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy dân chủ trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại./.

- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam -